Giới thiệu về cây
- Lưỡi hổ có tên khoa học là Sansevieria trifasciata, là một loại thực vật có hoa trong họ Măng tây, tổ tiên của chúng ở những vùng nhiệt đưới Tây Phi từ Nigeria đến Congo. Bởi vậy đây là loài cây có sức sống rất bền bỉ và dễ chăm sóc.
- Trong quá trình hình thành và phát triển, loài cây này đã được lựa chọn, lai tạo nhiểu loại có hình dáng, kích thước và màu sắc khác nhau. Ở Việt Nam, lưỡi hổ thái và lưỡi hổ vàng là 2 loại phổ biến và được ưa chuộng nhất. Tuy khác nhau về hình thức bên ngoài nhưng các loại lưỡi hổ gần như không có thân mà chỉ có bộ rễ, gốc, lá và hoa.
- Lá cây lưỡi hổ mọc từ gốc vươn cao thẳng đứng (chiều cao loại nhỏ để bàn thì khoảng 20-50cm, loại to có thể lên đến hơn 1m), bề mặt lá có thiết diện khoảng 3-4cm, mặt lá nhẵn, dày, hơi khum vào 2 bên mép và nhọn ở phần đỉnh. Thường thường lá lưỡi hổ mọc theo hình xoắn ốc hoặc tỏa ra trông rất bắt mắt mà lại không tốn nhiều diện tích. Đặc biệt cây sẽ trổ hoa nếu được chăm sóc ở điều kiện tốt. Hoa lưỡi hổ mọc thành chùm, thuôn dài và có 6 cánh mềm, màu trắng ngà.
Tác dụng của cây
- Lưỡi hổ trở nên phổ biến không chỉ vì sức sống dẻo dai mà đặc biệt lưỡi hổ còn là loài cây lọc không khí thần kỳ. Điều này đã được khoa học chứng minh.
- Theo nghiên cứu của NASA cho thây cây lưỡi hổ có thể thanh lọc không khí (air purification qualities), loại bỏ 4 hoặc 5 chất độc chính và 107 chất gây ô nhiễm , đặc biệt cây có thể hấp thụ độc tố gây ung thư như nitrogen oxide và formaldehyde.
- Bằng cách sử dụng tiến trình thực vật CAM (crassulacean acid metabolism), lưỡi hổ là một trong những cây có khả năng loại bỏ CO2 và sản xuất oxy ngay cả vào buổi tối. CAM là một cơ chế quang hợp đặc biệt chỉ có ở một vài loài thực vật, cơ chế này đảm bảo cây sẽ mở các lỗ khí vào ban đêm để giảm thiểu sự mất nước mà việc này lại cần phải có CO2. Vì khả năng đặc biệt này nên lưỡi hổ là loại cây lý tưởng để đặt trong phòng ngủ. Không những thế loài cây này còn có thể làm giảm tia bức xạ từ máy tính, lọc chất thải khi trồng dưới nước, giảm bớt hiệu ứng nhà kính. Bởi vậy lưỡi hổ còn được trồng trong khuôn viên khu căn hộ, chung cư, trang trí văn phòng.
Ý nghĩa phong thuỷ
- Bên cạnh những tác dụng đáng kinh ngạc của lưỡi hổ, thì ý nghĩa phong thủy của cây cũng là một vấn đề mà nhiều người quan tâm. Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy đó là cây lưỡi hổ giúp sinh khí của chúng ta tốt hơn, tránh được những luồng khí xấu. Theo quan niệm của phương Đông, cây lưỡi hổ tượng trưng cho sức mạnh của chúa sơn lâm vì vậy nó có khả năng xua đuổi tà khí, là biểu tượng của sức mạnh. Hơn nữa lá cây mọc thẳng, cứng cáp thể hiện sự quyết đoán, mạnh mẽ, dung cảm và ý chí không ngừng vươn lên trong cả công việc và cuộc sống. Vì những lí do đó nên lưỡi hổ thường được dùng làm quà tặng cầu chúc may mắn đến đối tác, người thân, bạn bè.
- Đặc biệt cây lưỡi hổ sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho những người mệnh Thổ , mệnh Kim. Những người mệnh này có màu bản mệnh là màu vàng – màu sắc chủ đạo của cây lưỡi hổ.
- Cây lưỡi hổ cũng hợp với những người tuổi Ngọ mạnh mẽ kiên cường và đầy nhiệt huyết cũng rất phù hợp với cây lưỡi hổ. Họ hướng ngoại, sôi nổi nhưng đôi khi lại hơi nóng nảy. Vì vậy, cây lưỡi hổ sẽ giúp cho người mệnh Thổ, mệnh Kim và người tuổi Ngọ phát huy tối đa những điểm mạnh, giúp cuộc sống và công việc của họ trở nên thuận lợi và may mắn hơn. Tuy nhiên cũng cần chú ý đến không gian của bạn để chọn kích thước cây cho phù hợp. Tránh chọn những bụi cây quá to, điều này sẽ làm giảm ánh sáng chiếu và ảnh hưởng đến cuộc sống của gia chủ.
Hướng dẫn cham sóc
Ánh sáng:
- Lưỡi hổ có thể chịu được cả ánh sáng trực tiếp từ mặt trời và ánh sáng đèn điện trong nhà.
- Không gian thích hợp nhất vẫn là để ở trong nhà hoặc có bóng râm.
Nhiệt độ:
- Mặc dù là loài cây có sức sống bền bỉ nhưng cũng không nên để lưỡi hổ thường xuyên ở nơi có nhiệt độ thấp. 20 – 30°C là điều kiện lý tưởng để lưỡi hổ phát triển.
- Lưỡi hổ không chịu được lạnh nên nếu để cây lâu trong điều kiện dưới 10°C thì cây sẽ rất yếu và cần chăm sóc đặc biệt để tránh trường hợp bị chết.
Nước:
- Khả năng chịu hạn tốt nên bạn chỉ cần tưới 1 tuần/lần hoặc 2 tuần/lần khi thời tiết nắng nóng, vào mùa lạnh thậm chí chỉ cần tưới 1 lần/tháng.
- Nếu độ ẩm không khí cao, bạn cần đặc biệt chú ý, bởi tưới nước lúc này rất dễ bị úng và thối rễ. Bạn nên tưới khi đất thật khô rồi sau đó để nơi thoáng mát và không nên tưới vào giữa cây để tránh bị úng nhé.
Đất:
- Là loại cây ưa khô nên đất trồng lưỡi hổ cần thoáng và thoát nước tốt, vừa tạo điều kiện kích thích rễ phát triển vừa tránh bị úng.
- Đất có tính kiềm, khô cằn hoặc trộn cùng sỉ than, đất pha cát là những loại đất thích hợp nhất để lưỡi hổ phát triển